Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 3, 24/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Một loại bệnh nặng 

Cơ thể xã hội cũng như con người, có lúc "hắt hơi sổ mũi", ủ chứa mầm bệnh mà nếu không chữa trị kịp thời thì có thể dẫn đến bệnh nặng. Ở nước ta, một trong những thứ bệnh kéo dài do nhờn thuốc, nay đã thành nặng, khó chữa là bệnh sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Bệnh này có thể di căn, dẫn tới nhiễm trùng mà tệ hại nhất là làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng với nhà sản xuất. Khi lòng tin mất đi, người ta sẽ tìm lối thoát ở hàng nhập ngoại, thậm chí là hàng không rõ nguồn gốc, "chỉ cần trên bao bì có chữ nước ngoài là yên tâm phần nào". Vậy căn bệnh ấy ra sao, diễn tiến bệnh thế nào, có cách trị dứt bệnh ấy hay không?

Thời bao cấp, nhất là những năm đất nước có chiến tranh, người Việt không ám ảnh nỗi sợ hàng giả như bây giờ. Lúc ấy kinh tế khó khăn, mua được hàng hóa đã là may mắn, nói gì đến nỗi lo ăn (dùng) thứ này, thứ kia có hại hay không. Nhưng quan trọng là hàng hóa lúc ấy chủ yếu do quốc doanh sản xuất, có xấu xí, kém ngon thì cũng được cái bền, ít khi phải lo là xơi thực phẩm bị kèm hóa chất độc hại. Thời ấy, ngoài sự khan hiếm hàng hóa thì sự thiếu hài lòng thường thấy của người tiêu dùng nằm ở chỗ hàng hóa thiếu tính tiện dụng. Đến giờ vẫn còn nhiều người không thể quên được cảnh mỗi lần trong nhà có được một loại đồ hộp nào đó, từ hộp cá, hộp thịt muốn dùng đều phải mượn đến dao, búa chứ không nắm khuyên sắt giật nhẹ là mở nắp được như bây giờ.

Thời hiện đại, hàng hóa phong phú hẳn lên. Hàng Việt, hàng ngoại, cao cấp hay bình dân thì chỉ cần bước chân ra phố là tha hồ mà chọn. Người lười hoặc không có nhiều thời gian thậm chí chỉ cần "a lô" nói thứ mình cần, thời gian, địa chỉ là ung dung ngồi chờ "hàng về". Mua hàng tiêu dùng hằng ngày dễ dàng là một nhẽ, đến giao dịch liên quan đến những thứ cả đời chỉ một lần mua cũng dễ như trở bàn tay. Muốn mua căn hộ chung cư ư? - lên mạng tìm, chọn, rồi liên hệ với nhà cung cấp để thỏa thuận lại về giá, cách thức thanh toán, làm hợp đồng mua bán, cơ bản thế là xong "việc cả đời"…

Thế mà càng ngày càng thấy lo mới lạ! Mới hôm qua hôm kia nghe lời bàn ra tán vào về "bánh Trung thu bẩn", mấy ngày trước nữa là chuyện quảng cáo hạt nêm "có vấn đề, gây bức xúc". Hai tháng trước, có tin Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm thụ lý đơn khởi kiện của một nhóm hộ dân ở tổ hợp khách sạn - văn phòng - trung tâm thương mại - căn hộ cao cấp thường được gọi dưới cái tên Keangnam (đường Phạm Hùng - Hà Nội), lý do là diện tích thực tế của các căn hộ mà nhóm này sở hữu không đúng với những gì đã ghi trong hợp đồng mua bán. Tính ra, với sự chênh lệch mà dân đưa ra, nếu kết luận là đúng thì chỉ số nhỏ diện tích "hao hụt" ấy cũng khiến họ mất hàng tỷ đồng. Xa hơn, từ lâu rồi, là sự xuất hiện liên tục lời cảnh báo về chất lượng công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Những thứ người tiêu dùng đưa vào cơ thể hằng ngày, từ thịt đến cá, rau, củ, quả, nước chấm… với tùy loại thỉnh thoảng lại có lời cảnh báo xuất hiện. Cá nuôi, thứ người ta cho cá ăn loại thức ăn đáng sợ. Thịt gì mà cứ rắn đanh lại, bao ngày vẫn tươi rói, "có thuốc". Loại nho này nhập từ nước ngoài, quả to đẹp đấy nhưng "đầy chất bảo quản"… Hôm nay vừa ăn vào người, mai lên mạng đã thấy thứ ấy đáng ngại, biết thứ gì không gây họa đây? Nhà chung cư, quảng cáo, giới thiệu rõ là tiện sử dụng, rõ đẹp, hiện đại nhưng đa số người mua về là phải "động thổ". Đơn giản thì lát lại sàn nhà, "ốp" thêm thứ nọ thứ kia rồi sơn lại những chỗ loang lổ, những việc làm thêm theo nhu cầu của người sử dụng. Nhưng có nhiều nhà mua căn hộ rồi bắt buộc phải thay cửa để bảo đảm có được loại bền, tốt, đẹp; thậm chí, phức tạp hơn là thay đổi kết cấu, từ phá tường trổ cửa, lắp lan can đến thay đổi chức năng của các khu phụ bởi thiết kế của nhà cung cấp không phù hợp. Thế là đục đẽo, khoan cắt suốt ngày, có khu chung cư dân về ở đủ vài năm trời mà vẫn chưa dứt cảnh sửa chữa… Nhà ấy, căn hộ ấy, có quy định nào để cho đó là "hàng kém chất lượng" hay không? Nếu có tiêu chuẩn chất lượng nhà chung cư thì tiêu chuẩn ấy đã phù hợp chưa, có sát thực tế không, có đủ sức chi phối hành vi của chủ đầu tư hay không?

"Bệnh" của hàng hóa ở ta không tự nhiên mà có. Hàng hóa được sản xuất trong nước hay nhập khẩu, kiểu gì cũng phải dựa trên hệ tiêu chuẩn nhất định, trong đó tiêu chuẩn an toàn được đặt lên hàng đầu. Sự an toàn, đến lượt nó lại được bảo đảm thông qua một loạt tiêu chuẩn, quy định khác. Ở Mỹ, để bảo vệ người tiêu dùng, từ gần một thế kỷ trước nước này đã ban hành luật thuế quan, trong đó quy định hàng hóa nhập khẩu phải ghi rõ nước xuất xứ. Nội dung ấy phải được ghi rõ ràng, dễ đọc, dễ thấy và không thể tẩy xóa được, mục đích là để người mua có đủ thông tin để đánh giá, lựa chọn sản phẩm, khách hàng cuối cùng nhận được hàng hóa nguyên dạng như khi nhập khẩu - vốn đã trải qua quy trình giám sát nghiêm ngặt nhằm bảo đảm an toàn, chất lượng. Nước Mỹ còn có một quy định khác, áp dụng cho hàng nông - thủy sản, trong đó đáng chú ý là với một số mặt hàng người ta yêu cầu nhà bán lẻ phải lưu giữ hồ sơ xác nhận xuất xứ hàng hóa, thậm chí còn phải minh bạch thông tin loại hải sản bày bán là do nuôi hay đánh bắt… Sự chặt chẽ ấy góp phần thúc đẩy trách nhiệm của nhà sản xuất - nhập khẩu hàng hóa, rất có lợi cho người tiêu dùng.

Sở dĩ có sự phát "bệnh" là bởi quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa ở ta còn sơ hở, lại không được thực hiện nghiêm, do sự vô cảm của nhiều nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ trước lợi ích của người tiêu dùng không bị xử lý thích đáng, do thái độ thiếu trách nhiệm của những người được giao giám sát việc thực hiện các điều luật liên quan. Người tiêu dùng cũng có lỗi một phần trong quá trình ủ bệnh, nặng nhất là thiếu ý thức trở thành người tiêu dùng thông minh, không cương quyết nói "không" với hàng hóa kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Ngần ấy nguyên nhân cơ bản tạo cơ hội cho "bệnh" phát, tất yếu có sự tăng nặng nếu không được chữa trị kịp thời. Và khi điều đó xảy ra, tức là khi người tiêu dùng mỗi ngày lại thấy lo hơn về chất lượng thực phẩm, hàng giả, hàng nhái thì lúc đó trách nhiệm lớn nhất không còn là của nhà sản xuất hay phân phối nữa, mà thuộc về cơ quan quản lý.

Bệnh không tự nhiên mất đi, đơn giản vì ưu tiên hàng đầu của nhà sản xuất là lợi nhuận, bởi đa số không muốn tăng chi phí cho những việc khác có thể làm tăng giá thành sản phẩm. Cách chữa duy nhất đúng là tăng cường sự kiểm soát, triệt tiêu cơ hội tạo ra hàng hóa kém chất lượng, không an toàn. Việc ấy, ở tầm vĩ mô thì cần luật đúng, chi tiết mà đủ bao quát, đủ đón sự phát sinh; ở cơ quan thực hiện thì cần lương tâm, trách nhiệm, thái độ tự chịu trách nhiệm với chất lượng công việc được giao. Phía sau sự tự giác còn phải có cơ chế giám sát đủ mạnh, đủ minh bạch, đủ cương quyết xử lý sai phạm.

"Bệnh" nói ở đây không đơn giản, không dễ trị dứt điểm dù chưa chắc đã thuộc hàng "nan y". Nhưng chắc chắn đó đã là "bệnh" nặng, không thể nói là có thể điều trị từ từ được nữa.

theo hanoimoi.com.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển